Vì sao nên khám sức khỏe trước khi kết hôn
Đôi trẻ đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và phát hiện chàng trai bị bệnh tim. Chàng được chữa bệnh khẩn cấp, nhưng ngày cưới chưa đến thì đã qua đời.

Cô gái ân hận, ước gì không khám, không chữa và cứ cưới thì người yêu còn biết được cảm giác của ngày thành hôn... Đó chỉ là một trong những tình huống được đưa ra trong buổi sinh hoạt tháng 4 của câu lạc bộ Tiền hôn nhân (Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP HCM). Đa số thành viên tham dự câu lạc bộ đều cho rằng chàng trai mắc bệnh quá nặng và vì thế cô gái không nên dằn vặt.

Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Ngọc Lan Hương, tình huống có thể còn xấu hơn nếu như bệnh tim khiến chàng trai chết đúng vào đêm tân hôn. Lúc này cô gái có thể cả đời sẽ mang nỗi day dứt vì tưởng mình là nguyên nhân gây ra cái chết cho chồng, hoặc cũng có thể cô sẽ bị gia đình chàng trai buộc tội sát phu.

Bạn sẽ làm gì nếu đi khám sức khỏe và phát hiện người yêu nhiễm HIV, hay anh/cô ấy là người lưỡng tính? Bỏ của chạy lấy người hay tìm giải pháp để tiếp tục kết hôn?

Những tình huống liên tục được báo cáo viên đưa ra khiến nhiều bạn trẻ chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân giật mình vì tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Còn chính những người từng trải qua thì bày tỏ sự hối tiếc vì đã không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Kết hôn xong, vợ chồng anh Hùng (quận 10, TP HCM) áp dụng các biện pháp ngừa thai trong 5 năm, đến lúc muốn có con "thả” mãi mà vẫn chưa có tin vui. Đi khám, họ mới biết mình vô sinh. Việc chữa trị trở nên khó khăn vì cả hai đã cứng tuổi, trữ lượng trứng của người vợ giảm nên chữa khó hơn so với khi còn trẻ.  

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan Hương cho biết, ngày nay các bạn trẻ đã bắt đầu ý thức việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, số bạn đi khám còn rất nhỏ so với số đăng ký kết hôn. Chỉ đến khi gặp những việc đã rồi, họ mới đi khám. Đây như là thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân, bởi họ luôn nghĩ rằng mình khỏe mạnh như thế này thì sao mắc bệnh được, khám làm gì cho tốn tiền... Họ đâu hiểu được có rất nhiều bệnh truyền nhiễm, những căn bệnh nghiêm trọng mà chỉ đi khám mới biết, nhìn biểu hiện bên ngoài không thể thấy được.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các bạn có được kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống tình dục của vợ chồng sau này. Điều này sẽ tránh những sợ hãi, nghi ngờ lẫn nhau trong đêm tân hôn, hoặc giúp phòng tránh việc lây nhiễm cho nhau những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ giúp các bạn phòng tránh bệnh tật sớm nhất, phát hiện, điều trị bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục của vợ chồng sau này và ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ khi mang thai, sinh đẻ.

Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp tránh các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho những đứa con tương lai. Khi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, các bạn còn được hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình một cách hiệu quả, phù hợp với bản thân nhất, nhờ đó có thể kiểm soát được việc sinh con (thời điểm có con, số con, khoảng cách sinh), tránh việc mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai.

Theo bác sĩ Lan Hương, nên khám trước khi cưới từ 3 đến 6 tháng. Đó là thời gian trung bình để có thể điều trị nếu phát hiện bệnh (trừ một số bệnh không thể hoặc phải điều trị suốt đời). Hiện nay tại TP HCM có 3 địa chỉ khám sức khỏe tiền hôn nhân tương đối đầy đủ là Bệnh viện Từ Dũ (quận 1), Bệnh viện Hùng Vương (quận 5), Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản (quận 11) và khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân (quận 3).

Theo ước tính của bác sĩ Lan Hương, tùy từng địa chỉ, nhưng tổng chí phí cho một trường hợp khám sức khỏe tiền hồn nhân sẽ vào khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng bao gồm: Đo mạch, huyết áp, chiều cao, cân nặng, thị lực, khám hệ cơ, xương khớp, cơ quan sinh dục; xét nghiệm công thức máu, các chức năng gan, thận, đường huyết, mỡ máu, nước tiểu; xét nghiệm chẩn đoán những bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục: VGSVB/C, HIV, giang mai, rubella; thực hiện chẩn đoán hình ảnh: X quang tim phổi, siêu âm bụng, siêu âm ngã trực tràng/âm đạo (nếu cần); đo điện tim. Ngoài ra, nếu có nghi ngờ về bệnh hoặc di truyền, các bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm tầm soát ung thư, bệnh về máu, khám tâm thần...

Khi đến khám, các bạn trẻ còn được tư vấn về giải phẫu học và sinh lý học cơ quan sinh dục nam và nữ, cơ chế thụ thai; tình dục an toàn, tình dục thỏa mãn và tình dục có trách nhiệm; các rối loạn tình dục thường gặp; những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt bệnh lây truyền qua đường tình dục, cách phòng tránh; những điều cần biết trong đêm tân hôn...

Sau khi được tư vấn, mỗi người sẽ được khám hoặc làm các xét nghiệm phù hợp với từng cá nhân. Kết quả khám được bảo mật tuyệt đối, thông tin cho nhau biết hay không là quyền của mỗi người. Trừ trường hợp nhiễm HIV, bạn có nghĩa vụ phải thông báo và có biện pháp phòng ngừa cho người bạn đời nếu quyết định vẫn kết hôn với người ấy (quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật Phòng chống HIV/AIDS).

Theo VNExpress
  Tags: