In Trang
Saigon Co.op đảm bảo lợi nhuận cho nông dân vùng lúa gạo sạch Vĩnh Long

Ngày 16/08/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội thảo tổng kết 3 năm mô hình Hợp tác xã sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Mỹ Lộc huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đến dự và phát biểu có ông Trương Văn Sáu - Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Văn Quang - Phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư thành ủy TP.HCM, nguyên Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương và đại diện các Sở NN&PTNT, trường đại học Cần Thơ cùng HTX Tân Tiến.


Mỹ Lộc là xã nông thôn có diện tích tự nhiên 2.006 ha với 8.000 dân, toàn xã có 1.202 ha ruộng, 338 ha vườn với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, tập trung sản xuất lúa là chính. Năm 2016 đã thành lập Hợp tác xã Tân Tiến (Hợp tác xã) dưới sự chủ trì của Huyện ủy - UBND huyện Tam Bình, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện và sự tâm huyết của ông Phạm Chánh Trực. Đảng ủy, UBND xã Mỹ Lộc đã thành lập ban vận động dự án lúa gạo sạch xã Mỹ Lộc, bước đầu thực hiện trên 31 ha và từng bước nhân rộng lên 45ha.

Những khó khăn ban đầu của chương trình bước đầu đã được từng bước khắc phục bao gồm nông dân có trình độ hạn chế nên khó tiếp thu kỹ thuật, ghi chép sổ tay, giá lúa thu mua không ổn định, nông dân tranh giành hợp đồng tiêu thụ nông sản, nông dân quen sử dụng phân hóa học độc hại, kênh rạch nhỏ khó vận chuyển thành phẩm và đặc biệt lúa gạo Thái Lan đang xâm nhập mạnh vào thị trường nội địa.

Kết quả tổng kết 3 năm triển khai cho thấy mô hình Hợp tác xã sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Mỹ Lộc đã mang lại nhiều kết quả tích cực từ hiệu quả kinh tế đến hiệu quả xã hội và hiệu quả về môi trường thổ nhưỡng. Cụ thể, năng xuất bình quân từ gần 4 tấn/ha trong vụ hè thu 2016 tăng lên hơn 6 tấn/ha vụ đông xuân 2017 2018. Thu nhập của các hộ nông dân đạt mức hơn 14 triệu đồng/ha lên đến hơn 30 triệu đồng/ha. Năm 2017 lợi nhuận ước tính hơn 40 triệu đồng/ha/năm/2 vụ so với năm 2016 chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/ha/năm/vụ. Riêng năm 2018, đạt mức hơn 40 triệu đồng/ha/năm/2 vụ, tăng hơn 10 triệu so với cùng kỳ năm trước đó.

Tác động tích cực nhất của chương trình chính là đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và tập quán canh tác từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học sang sử dụng phân sinh học có lợi cho môi trường. Các cánh đồng sản xuất lúa gạo sạch đã xuất hiện tôm, cua, cá sinh sôi, sức khỏe của người nông dân cũng được cải thiện sau khi không còn dùng thuốc trừ sâu hóa học.

Để có được kết quả tích cực như vậy, bên cạnh việc nỗ lực cải tiến cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững của tỉnh Vĩnh Long và tâm huyết của các xã viên, chương trình đã giải quyết được bài toán lớn quan trọng nhất của tất cả các dự án sản xuất đó chính là đầu ra của sản phẩm. Theo đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM đã sớm chủ động tham gia cố vấn tiêu chuẩn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong diện tích lúa sạch của chương trình.

Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, việc đơn vị này tham gia chuỗi giá trị kúa gạo sạch theo hướng hữu cơ là muốn hướng đến nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững và loại bỏ bớt các khâu trung gian, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân thực hiện sản xuất tốt và giá cả các sản phẩm hướng hữu cơ khi đến tay người tiêu dùng cũng là giá tốt nhất. Saigon Co.op cũng cam kết điều chỉnh thu mua theo hướng có lợi nhất để đảm bảo lợi nhuận, cũng như sẽ cũng chia sẻ lợi nhuận để người trồng yên tâm sản xuất.

Ước tính giá thu mua lúa tươi sạch theo hướng hữu cơ của Saigon Co.op luôn đảm bảo cao hơn thị trường 40%. Hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, Co.op Food đã tham gia tiêu thụ 2 dòng sản phẩm của dự án sản xuất lúa gạo sạch là gạo Jasmine từ tháng 9 năm 2016 và dòng gạo Hương Xuân từ tháng 8 năm 2018 với bao bì quy cách đóng gói đẹp 2kg với sức tiêu thụ trung bình gần 20 tấn lúa gạo sạch hướng hữu cơ của dự án mỗi tháng.

Tại Hội thảo cũng đã diễn ra ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giữa Sở KH&ĐT, Sở Công thương và Sở NN&PTNT tỉnh với Saigon Co.op và thỏa thuận hợp tác bao tiêu sản phẩm của Saigon Co.op với hợp tác xã nông nghiệp Tân Tiến. Đồng thời tỉnh ủy cũng đã tiến hành khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức có thành tích đóng góp cho sự thành công của chương trình.

Để có thể phát huy và nhân rộng mô hình hiệu quả này, chương trình sẽ tiếp tục nâng cao khả năng quản trị và vai trò điều hành của hợp tác xã, tuyên truyền vận động các hợp tác xã kiên định duy trì và mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, tăng cường cơ giới hóa và xây dựng nhiều dịch vụ như sản xuất nấm rơm, thanh long, thủy sản, … để tăng thu nhập cho xã viên. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM sẽ tiếp tục ký hợp đồng lâu dài và mở rộng phạm vi bao tiêu trên một số sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thu nhập cho người nông dân.

Tấn Thanh - Saigon Co.op