Saigon Co.op - Câu chuyện của nhà bán lẻ uy tín

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào và bình ổn giá cả hàng hóa là cách để các siêu thị của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food... đồng hành cùng hàng chục triệu khách hàng của mình trong nhiều năm qua.


Hàng triệu khách hàng tin dùng sản phẩm Co.opmart từ những ngày đầu và con số đó luôn tăng liên tục trong suốt 24 năm qua Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhờ sự cam kết ổn định và nhất quán này, những siêu thị của Saigon Co.op trở thành biểu tượng của hàng hóa chất lượng và giá phải chăng của người tiêu dùng cả nước.

Đồng hành cùng hàng Việt, không ngừng làm mới mình

Năm 1996, Co.opmart Cống Quỳnh, siêu thị đầu tiên của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử bán lẻ hiện đại của Việt Nam.

Sau 24 năm hình thành và phát triển, siêu thị Co.opmart đã trở thành thương hiệu quen thuộc của người dân thành phố và người tiêu dùng cả nước với hơn 100 siêu thị Co.opmart lần lượt ra đời cho đến nay.

Cùng với việc đẩy mạnh chuỗi Co.opmart, Saigon Co.op phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại mới chưa từng có tại Việt Nam: cửa hàng thực phẩm Co.op Food, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smiles, cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ Cheers,...phủ kín hầu hết các phân khúc bán lẻ.

Đây cũng là mạng lưới phân phối Việt cùng các doanh nghiệp ở TP.HCM nhiều năm qua tham gia chặt chẽ chương trình bình ổn hàng thiết yếu, góp phần ổn định giá cả thị trường, đặc biệt trong những dịp cao điểm lễ, Tết của TP.HCM.

"Bất kỳ nhà bán lẻ nội địa nào cũng nhận biết rằng mạng lưới bán lẻ giữ vai trò trung gian và đóng vai trò kết nối cực kỳ quan trọng quyết định đến sự phát triển của hai đầu sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy toàn bộ quá trình sản xuất.

Nếu mạng lưới phân phối hỗ trợ được hàng hoá trong nước, không chỉ giúp doanh nghiệp Việt mà còn tăng thêm sự tin cậy của người tiêu dùng với hàng hoá bày bán trong siêu thị", ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op khẳng định về vai trò và tôn chỉ hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Đây cũng chính là điểm nhấn rất đặc biệt của Co.opmart khi không chạy theo lợi nhuận mà bỏ rơi hàng hóa sản xuất trong nước. Có thể nói, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op không chỉ là ngôi nhà của gần 20.000 cán bộ nhân viên mà còn là điểm tựa cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt.

Đi đâu người ta cũng thấy và tìm đến mua hàng trong siêu thị Co.opmart. Ngay khi đến các vùng sâu vùng xa, người ta vẫn thấy hình ảnh các bạn mậu dịch viên của Co.opmart tổ chức bán hàng lưu động với sự hưởng ứng háo hức của bà con.

Khai trương Co.op Food đầu tiên tại Sóc Trăng

Ngày 20/11/2020, Co.op Food đầu tiên tại tỉnh Sóc Trăng sẽ chính thức mở cửa tại 135 Trương Công Định, phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

Với diện tích 175m2, cùng vô số mặt hàng từ tươi sống đến hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ và các dịch vụ công, Co.op Food Sóc Trăng sẽ mang đến một không gian mua sắm vô cùng thoải mái và đầy đủ cho người dân địa phương.

Nhân dịp khai trương, Co.op Food Sóc Trăng mang đến chuỗi chương trình khuyến mãi như giảm giá đến 45%, "Mua 2 tính tiền 1", "Giá ưu đãi", "Mua càng nhiều quà càng lớn" cùng hàng ngàn phần quà hấp dẫn.

Đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu

Không chỉ hỗ trợ hàng hoá Việt Nam tiêu thụ trong nước, Saigon Co.op còn thông qua đối tác NTUC Singapore đều đặn xuất khẩu sang đảo quốc sư tử một lượng lớn hàng hóa, giúp thu về cho nông sản Việt Nam trung bình gần 2 triệu đô la Singapore mỗi năm.

Rà soát danh mục của Saigon Co.op xuất khẩu qua đối tác NTUC để bán rộng rãi trong hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ này ở Singapore mới thấy các sản phẩm này cũng được bán nhiều tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food và không xa lạ gì với người tiêu dùng Việt Nam từ mặt hàng nông sản quen thuộc như trà, thanh long, khoai lang, bưởi...

Theo ông Nguyễn Anh Đức, dù xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao nhưng chủ trương của Saigon Co.op là ưu tiên kinh doanh những mặt hàng chất lượng cao cho người tiêu dùng trong nước sau đó mới hướng đến xuất khẩu.

Không những vậy, hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng cho hàng hoá, nông sản Việt Nam đủ điều kiện, được chấp nhận nhập khẩu vào Singapore cũng là cách mà Saigon Co.op thực hiện nhằm nỗ lực xây dựng thương hiệu cho hàng Việt, theo một cách hết sức thận trọng "chậm mà chắc". Đến nay, dòng sản phẩm hàng nhãn riêng của hệ thống được xem như là biểu tượng của chất lượng, an toàn, nhân văn.

Đối xử công bằng với người tiêu dùng, Saigon Co.op không "gom" hàng hóa chất lượng cao chỉ để dành cho xuất khẩu mà ngược lại, hàng hóa trong nước chất lượng quốc tế với giá Việt Nam đã và đang được nhà bán lẻ này dành ưu ái hàng đầu cho người tiêu dùng trong nước thông qua hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... trải rộng trên mấy chục tỉnh thành trên cả nước.

Nhìn lại quá trình phát triển, so với các tập đoàn bàn lẻ nước ngoài thì các nhà bán lẻ VN như Saigon Co.op còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện như hệ thống quản lý cần chuyên nghiệp bài bản hơn, đội ngũ quản lý có kiến thức chuyên môn giỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, khâu hậu cần logistic... những điều này nếu làm tốt sẽ tăng tính cạnh tranh của nhà bán lẻ Việt so với các đơn vị nước ngoài.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Anh Đức, nhà bán lẻ Việt vẫn có những lợi thế riêng để có khả năng đối trọng với các tập đoàn bán lẻ quốc tế tại VN.

"Saigon Co.op là một đơn vị kinh tế tập thể trưởng thành cùng với tiến trình đổi mới của Thành phố mang tên Bác nói riêng và đất nước nói chung. Chúng tôi xác định trở thành nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với tiêu chí kinh doanh là hướng đến cộng đồng, ổn định an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và định hướng phát triển bền vững", ông Đức nói.

Trong những năm gần đây, cùng với việc phát triển mạng lưới, hệ thống cũng đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiến tiến vào công tác quản lý, đa dạng hóa và liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt xây dựng nguồn cung hàng hóa ổn định trên cơ sở liên kết với các nhà sản xuất, nông dân, nhà cung cấp và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung để chủ động kiểm soát cả về chất và lượng.

Năm 2020, dù bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tiếp tục thể hiện vai trò nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam không ngừng nỗ lực xây dựng chương trình khuyến mãi và giải pháp chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Nhiều hình thức bán hàng mới được ra đời, tăng sự thuận tiện cho khách hàng như bán hàng qua app, qua điện thoại, bán hàng trên các nền tảng siêu ứng dụng...

Theo kế hoạch, trong năm 2020, Saigon Co.op tiếp tục phát triển mạng lưới và nâng cao hiệu quả đầu tư tại tất cả các mô hình bán lẻ, phấn đấu phát triển hơn 200 điểm bán mới, trở thành đơn vị bán lẻ thuần Việt có nhiều nhất các mô hình bán lẻ hiện đại nhất Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, để tối ưu hoá quy trình vận hành, đảm bảo chất lượng hàng hoá đến tay người tiêu dùng, Saigon Co.op tiếp tục đầu tư và cải thiện hiệu quả công tác logistics và chất lượng cung ứng hàng hóa, đồng thời tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, số hóa, tự động hóa...

Theo Tuổi Trẻ Online

  Tags: