Sản phẩm VietGAP: Liên kết cùng có lợi
Sự vào cuộc tích cực của các nhà phân phối đã giúp các loại rau củ quả được chứng nhận VietGAP đến được tay người tiêu dùng với giá phải chăng. Các nông dân tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được ký kết tiêu thụ sản phẩm cũng yên tâm sản xuất do đảm bảo được đầu ra.

Trăn trở VietGAP

Ngành nông nghiệp các tỉnh thành trong cả nước đã và đang vận động bà con nông dân sản xuất trái cây theo hướng VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) để người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, có nghịch lý là trong khi bà nội trợ đi chợ lo cho bữa cơm hàng ngày chưa thể yên tâm về chất lượng khi mua các loại thực phẩm tươi sống thì mô hình sản xuất VietGAP trong nhiều năm qua vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Lý do, theo các HTX trồng rau thì sản xuất theo quy trình VietGAP đòi hỏi yêu cầu khắt khe, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ghi chép nhật ký đồng ruộng từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch… nên bà con nông dân mất nhiều công sức hơn, chi phí cũng tăng từ 10 - 15% so với các sản phẩm thường. Tuy nhiên tại các chợ, giá bán rau VietGAP lại chỉ ở mức tương đương rau thường chứ không thể bán giá cao hơn, như chủ nhiệm một HTX rau tại TP Hồ Chí Minh có hơn 40 mặt hàng đạt chuẩn VietGAP, sản lượng đến 30 tấn/ngày cũng cho biết, rau VietGAP tại chợ có giá bán không khác rau từ các nguồn khác và không chỉ người tiêu dùng mà nhiều tiểu thương cũng mù mờ về sản phẩm VietGAP.

Trong khi đó, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch về nguồn hàng và trưng bày nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm mua sản phẩm VietGAP. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, rau củ quả đạt chuẩn VietGAP được trưng bày trong một khu vực riêng, có bảng biểu thông tin cụ thể nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Bên cạnh các sản phẩm rau được đóng gói, siêu thị này cũng dành một lượng rau dưới dạng hàng xá (sản phẩm chưa vào bao bì) để người tiêu dùng có thể lựa chọn trọng lượng theo nhu cầu. Được biết, các sản phẩm rau củ quả của siêu thị này đều đạt  tiêu chuẩn rau an toàn, trong đó 80% là sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.



Liên kết tạo đầu ra cho VietGAP

Theo các nhà chuyên môn, để thúc đẩy sản xuất VietGAP thì cần thiết phải có đầu ra ổn định với các nhà phân phối hiện đại; nếu bán ở các chợ thì phải có hệ thống nhận diện lại sản phẩm này và được bảo quản đúng cách.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng GĐ Saigon Co.op, Giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart, ngành hàng thực phẩm tươi sống - đặc biệt là nhóm hàng rau củ quả - vốn rất nhạy cảm do ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố thời vụ, tính chất hàng hóa rất khó bảo quản và đòi hỏi rất nghiêm ngặt về yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, Saigon Co.op đã chủ động liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm của các nhà sản xuất, HTX, nhà vườn, hộ nông dân để tạo nguồn hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và tạo đầu ra cho sản phẩm VietGAP. Đơn vị này đã ký kết với rất nhiều HTX sản xuất sản phẩm VietGAP  như HTX Phước An, Tân Phú Trung, Thỏ Việt, Nhuận Đức, Phú Lộc, Ngã Ba Giồng, Phước Bình… Không chỉ TP Hồ Chí Minh, Saigon Co.op đã mở rộng liên kết ra các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long … hỗ trợ tư vấn kỹ thuật , kiểm tra giám sát định kỳ nguồn nguyên liệu tại cơ sở và bao tiêu sản phẩm VietGAP.

Được biết, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động Trung tâm phân phối Thực phẩm tươi sống (KCN Sóng Thần) với diện tích 6.000m2 và đầu tư dây chuyền sơ chế đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP đồng thời nâng cấp 2 trung tâm phân phối hàng thực phẩm thiết yếu tại Bình Dương và miền Tây Nam Bộ với tổng diện tích 50.000 m2. Với những hoàn thiện về chuỗi cung ứng, công tác kho vận như trên, giá cả và đầu ra của sản phẩm VietGAP được giữ ổn định, các HTX, nhà vườn, hộ nông dân chỉ cần tập trung vào khâu sản xuất qua đó nâng cao giá trị nông sản.

Saigon Co.op cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi dành cho rau củ quả VietGAP như Giá tốt mỗi ngày, Giờ vàng để kích cầu tiêu thụ, góp phần tăng doanh số cho sản phẩm này.

Bài và ảnh: Mai Trang
  Tags: