Trò chuyện với doanh nhân: Hành trình chinh phục trái tim khách hàng
(TBKTSG Online) - Ngày 27-6 vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đơn vị chủ quản Co.opmart đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới cho hệ thống siêu thị của mình. TBKTSG đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, về bước đi mới này.

TBKTSG: Lý do gì khiến Saigon Co.op thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu Co.opmart?

- Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Tính đến nay, Saigon Co.op đã hoạt động được 16 năm, thu hút một lượng khách hàng mua sắm đông đảo. Tuy nhiên, cuộc sống không ngừng vận động và nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi theo hướng hiện đại, toàn diện hơn. Người tiêu dùng hôm nay không chỉ quan tâm đến hàng hóa mà còn tìm kiếm sự trải nghiệm trong môi trường mua sắm. Với thực tế này, chúng tôi cần phải thay đổi để phục vụ tốt hơn những nhu cầu đa dạng của khách hàng. Và điều cần thiết là làm mới mình, không chỉ ở khâu quản trị, chiến lược kinh doanh mà ở chính những con người vận hành công việc để thực thi những ý tưởng đổi mới đó. Với thay đổi lần này, chúng tôi muốn xây dựng hình ảnh một Co.opmart gắn kết, tận tâm, thấu hiểu và chia sẻ với khách hàng thông qua mạng lưới bao phủ, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý cũng như mang đến những trải nghiệm trong không gian mua sắm thoải mái, thú vị cho khách hàng.

Một lý do quan trọng không kém là Việt Nam đã mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc mở rộng giao lưu hàng hóa và sự tham gia của nhiều tập đoàn bán lẻ vào thị trường sẽ tiếp tục tạo nên một môi trường năng động và cạnh tranh quyết liệt. Điều này buộc Co.opmart phải nâng tầm để cạnh tranh với những đối thủ tầm cỡ.

TBKTSG: Saigon Co.op kỳ vọng gì từ sự thay đổi này?

- Cùng với sự đổi mới hình ảnh, Co.opmart cần cho thấy những chuyển biến về chất lượng sản phẩm, dịch vụ thuyết phục được người tiêu dùng. Đội ngũ của chúng tôi phải hiểu sâu sắc và thực hiện kỳ được điều này với tinh thần phục vụ khách hàng bằng niềm đam mê, coi đây là nghiệp chứ không chỉ là nghề. Những giá trị cốt lõi mà chúng tôi đang xây dựng cho nguồn nhân lực là tận tâm phục vụ, liên tục cải tiến, khát khao vươn lên và hướng tới cộng đồng.

Từ nền tảng này, chúng tôi có khát vọng đưa Co.opmart vươn xa, vươn rộng, vươn sâu trên toàn quốc cũng như khu vực. Chúng tôi mong muốn Co.opmart đến gần hơn với mọi nhà, không chỉ ở các đô thị mà ở cả những vùng sâu, vùng xa, không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra các nước trong khu vực và quốc tế.

TBKTSG: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược phát triển của Co.opmart như vừa nói?

- Mạng lưới chính là yếu tố sống còn của tất cả các nhà bán lẻ để xác lập thị phần, tăng trưởng doanh thu. Với Co.opmart, nhiệm vụ này càng cấp bách khi được kỳ vọng như một nhà bán lẻ cấp quốc gia.

Tại TPHCM, chúng tôi có kế hoạch phủ kín mạng lưới ở tất cả các quận huyện, nhất là tại các khu đô thị, khu dân cư mới. Còn ở các tỉnh thành khác, Co.opmart đã hiện diện ở miền Tây, duyên hải miền Trung và Nam Trung bộ, sắp tới sẽ mở rộng mạng lưới từ Bắc Trung bộ ra các tỉnh thành phía Bắc.

Đối với thị trường nước ngoài, trước mắt, chúng tôi đặt mục tiêu thâm nhập thị trường Lào và Campuchia. Điều quan trọng là chúng tôi đã tìm được các đối tác tin cậy trong việc đặt chân ra nước ngoài một cách an toàn, bền vững.

Cần nói thêm, khi thị trường trong nước đã có sự hiện diện của các nhà bán lẻ quốc tế cũng như rất nhiều người tiêu dùng nước ngoài, sự thay đổi lần này giúp Co.opmart có một diện mạo mới mang tính quốc tế để tiếp cận khách hàng nước ngoài. Đây cũng là một sự chuẩn bị cho chiến lược vươn ra khu vực của Saigon Co.op.

Lễ ra mắt siêu thị Hòa Bình - siêu thị mới đầu tiên với bộ nhận diện thương hiệu Co.opmart mới - Ảnh: Co.opmart

TBKTSG: Với nhiều nhà bán lẻ, việc phát triển mạng lưới gặp trở ngại khi giá thuê mặt bằng ở Việt Nam quá cao. Saigon Co.op giải quyết khó khăn này như thế nào?

- Đúng là giá mặt bằng ở Việt Nam quá cao. Chọn được một vị trí đủ điều kiện mở siêu thị đã khó, nhưng chi phí phải trả cho mảnh đất đó còn là áp lực cao hơn. Vì những áp lực này, chúng tôi đã phải điều chỉnh chiến lược, từ quy mô đầu tư cho đến quy chế huy động nguồn lực lẫn thời gian đầu tư. Việc đầu tư đang được sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên cho các thị trường hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có cơ hội cao. Còn nguồn vốn thì được huy động từ nhiều nguồn lực thông qua năng lực điều phối của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Saigon Co.op (SCID), đơn vị được thành lập nhằm chuyên môn hóa khâu đầu tư. Một điểm then chốt là khi đã bỏ tiền ra đầu tư thì phải tập trung rút ngắn thời gian thi công để đưa mặt bằng vào kinh doanh sớm nhất nhằm thu hồi vốn nhanh nhất. Nhiều năm qua, Saigon Co.op ý thức dồn tổng lực cho hoạt động đầu tư. Chúng tôi trích 65% lợi nhuận sau thuế đưa vào quỹ tích lũy dành cho việc tái đầu tư, mở rộng mạng lưới.

 TBKTSG: Trước những đối thủ tầm cỡ nằm trong top 20 các nhà bán lẻ thế giới đã và đang gia nhập thị trường Việt Nam, Saigon Co.op định hướng cạnh tranh như thế nào?

 - Phải nói thật rằng chúng tôi đang ở thế cạnh tranh không cân sức. Không cân sức không chỉ về tiền hay kinh nghiệm mà còn vì sức mạnh của hệ thống mang tính toàn cầu của các đối thủ. Chúng tôi xác định chỉ có con đường duy nhất là chinh phục trái tim người tiêu dùng bằng sự gắn bó, chân thành, tận tâm, hành động đi đôi với lời nói. Chúng tôi thấu hiểu và kỳ vọng vào văn hóa trọng tình nghĩa của người Việt Nam. Chúng tôi tin rằng một khi đã chiếm được lòng tin yêu của khách hàng thì những thiếu hụt so với các đối thủ về tài chính, về hệ thống toàn cầu... cũng sẽ được bù đắp.

Cho đến nay, Co.opmart đã có 59 siêu thị trải đều trên địa bàn TPHCM và hơn 30 tỉnh thành của cả nước. Cùng với sự thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, sắp tới Co.opmart sẽ mang đến cho khách hàng những không gian mua sắm mới, hiện đại với nhiều dịch vụ tiện ích hơn cùng nhiều chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng.

Co.opmart chuẩn bị liên kết với các ngân hàng phát hành thẻ đồng thương hiệu để khách hàng thanh toán thuận tiện hơn, cùng các chương trình cung cấp hạn mức tín dụng mua sắm, không phải trả phí thanh toán...

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đầu tư kênh bán hàng qua truyền hình và mạng Internet. Hiện kênh HTV Co.op đã phủ sóng trên hệ thống truyền hình cáp của Đài Truyền hình TPHCM (HTVC), sắp tới sẽ tiếp tục hợp tác với các đài truyền hình khác trong kế hoạch tăng phạm vi phủ sóng để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon Online
  Tags: